top of page
Search

Bụi cháy nổ là gì?

Updated: Mar 25, 2022


Bên cạnh môi trường khí/hơi dễ cháy nổ, môi trường có bụi dễ cháy nổ cũng là khu vực tiểm ẩn rủi ro lớn về cháy nổ và có thể gây ra những thiệt hại nặng nề cho con người, môi trường và tài sản. Bài viết cung cấp một số thông tin về các yếu tố cơ bản hình thành môi trường dễ cháy nổ do bụi gây ra và những mối nguy tiềm ẩn có thể dẫn đến rủi ro về cháy nổ khi làm việc trong môi trường này.


Điều quan trọng để một công trình có liên quan đến môi trường bụi cháy nổ được vận hành an toàn là phải đảm bảo công trình thỏa mãn các yêu cầu liên quan của nhà nước, tiêu chuẩn của công ty và các tiêu chuẩn tham chiếu trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động của công trình.


Bụi cháy nổ là gì?

Về cơ bản, bụi dễ cháy nổ là bất kì một chất liệu nhỏ, mịn nào mà có khả năng bắt cháy và nổ khi được trộn lẫn với không khí. Bụi dễ cháy nổ có thể từ:

  • Hầu hết các chất hữu cơ khô (như đường, bột mì, ngũ cốc, gỗ...)

  • Rất nhiều loại kim loại

  • Một số chất vô cơ phi kim

Một số trong các chất này “bình thường” không bắt cháy, nhưng nó có thể cháy hoặc nổ nếu nó ở dạng bụi với kích thước đủ nhỏ và với một mật độ thích hợp.


Vì thế bất kì công việc nào sinh ra bụi cần được đánh giá xem có rủi ro về việc bụi sinh ra có thể bắt cháy không. Bụi có thể tích tụ trên dầm, kèo, trên mái, trần treo, các ống dẫn và các thiết bị khác. Khi bụi này bị khuếch tán lên và kèm một số điều kiện xác định, có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ nổ nghiêm trọng. Chỉ cần một lượng nhỏ bụi cũng có thể tạo ra những thiệt hại nghiêm trọng.


Ví dụ những vật có thể gây ra nguy hiểm cháy nổ bụi

Rất nhiều vật liệu có thể trở nên bắt cháy trong những điều kiện xác định. Ví dụ như:

  • Các sản phẩm từ nông nghiệp: sữa bột, bột ngô, đường, bột mì, ngũ cốc, khoai tây, gạo...

  • Bột kim loại như nhôm, đồng, magie, kẽm...

  • Các bụi hóa chất như than đã, lưu huỳnh...

  • Dược phẩm

  • Thuốc trừ sâu

  • Cao su

  • Gỗ

  • Tơ sợi

  • Chất dẻo

Có rất nhiều loại vật liệu có thể trở thành bụi cháy nổ. Cục an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ (US OSHA) đã tạo ra một danh mục để tham chiếu thêm.


Những nơi làm việc nào có rủi ro về bụi cháy nổ?

Cháy nổ bụi có thể xảy ra ở rất nhiều nhà máy và các ngành công nghiệp khác nhau. Bao gồm:

  • Kho chứa ngũ cốc

  • Nhà máy sản xuất thức ăn

  • Nhà máy hóa chất (ví dụ: cao su, nhựa, dược phẩm)

  • Xưởng gỗ

  • Nhà máy xử lý kim loại (Ví dụ: kẽm, nhôm, magie, sắt thép)

  • Nhà máy tái chế (Ví dụ: giấy, nhựa, kim loại) và

  • Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than

Bụi được tạo ra khi các vật liệu được vận chuyển, xử lý, đánh bóng, nghiền, gia công. Bụi cũng có thể được tạo ra cắt, mài, trộn, sàng lọc các vật liệu khô. Sự tích tụ của những lắng cặn được làm khô từ quá trình xử lý những vật liệu ướt cũng có thể tạo ra bụi. Về cơ bản, bất kì một nơi làm việc có tạo ra bụi thì có tiềm ẩn rủi ro.


Các vụ nổ bụi xảy ra như thế nào?

Bất kì một sự cháy nào cũng cần 3 yếu tố. Các yếu tố này được biết đến như là “tam giác cháy” (Fire triangle):

  1. Nhiên liệu để cháy

  2. Oxy

  3. Nguồn kích nổ (nhiệt, đánh lửa...)

Một vụ nổ bụi cần thêm 2 yếu tố nữa – được gọi là “ngũ giác bụi” (dust pentagon):


4. Sự khuyếch tán các hạt bụi với mật độ phù hợp, và

5. Sự giam giữ đám mây bụi trong không gian giới hạn


Sự khuyếch tán nghĩa là các hạt bụi bay lơ lửng trong không khí. Sự giam giữ nghĩa là bụi được giới hạn trong một không gian kín hoặc hạn chế. Sự giới hạn này cho phép tạo ra sự tích áp và tăng lên thành một vụ nổ.

Hình 1: Ngũ giác bụi nổ


Làm sao để xác định được mối nguy hiểm từ bụi cháy nổ?

Có rất nhiều yếu tố cần được xem xét – kích thước của bụi, cách thức phân tán, các đặc tính của hệ thống thông gió, dòng chảy không khí, các nguồn kích nổ, không gian kín giới hạn đám mây bụi, các vật cản... .Do đó, việc đánh giá lượng bụi tích tụ theo “nguyên tắc dựa trên kinh nghiệm” (như có thể viết được trên bụi, hoặc bụi có độ dày như một cái ghim giấy, đồng xu, hoặc một mức nhìn thấy được xuyên qua đám mây bụi) thường không có độ tin cậy cao.


Cách làm tốt nhất là giữ cho nơi làm việc sạch bụi nhất có thể.


Tiến hành đánh giá rủi ro và kiểm tra những khả năng cụ thể có thể xảy ra nổ bụi. Bên dưới là một số câu hỏi giúp chúng ta kiểm tra.


Công nghệ

  • Nhà máy của bạn có sản xuất hay sử dụng vật liệu nào có thể tạo ra bụi?

  • Nhà máy của bạn có công đoạn nào như phun trà nhám, cắt ống, nghiền, sàng, đánh bóng, làm sạch, hoặc các công việc khác có thể tạo ra bụi?

Nghiên cứu/Thông tin

  • Bạn đã nghiên cứu bụi xuất hiện trong nhà máy có dễ cháy hay không chưa?

  • Có trường hợp nào được ghi nhận và báo cáo chính thức về các vật liệu trong nhà máy của bạn có liên quan đến một vụ nổ do bụi cháy nổ hay không?

* Ghi chú: Việc nghiên cứu các vật liệu và sản phẩm trong nhà máy của bạn là rất quan trọng. Việc chỉ ra khả năng có nguy cơ bụi cháy nổ là một yêu cầu mới trong ‘Safety Data Sheet (SDS)’. ‘Material Safety Data Sheets (MSDSs)’ trước đây có thể không đề cập đến thông tin này nên có thể cần phải làm nghiên cứu đánh giá thêm nếu cần.


Nguồn kích nổ

  • Nhà máy có nguồn kích nổ nào không? (Ví dụ: đánh lửa, lửa, lò sấy, máy sấy, hoặc lửa do hàn)

  • Bụi có thể xâm nhập hoặc tích tụ trên bề mặt thiết bị điện hoặc các thiết bị không?

  • Nơi làm việc của bạn có chính sách không được hút thuốc không? Đã có biện pháp nào để cách ly việc hút thuốc và nguồn kích nổ khỏi khu vực sản xuất hay chưa?

Quản lý vệ sinh

  • Có vùng không gian mở nào hoặc kết cấu phía trên cao nào mà bụi có thể tích tụ không?

  • Bạn có từng kiểm tra những khu vực bị che kín hoặc khó tiếp cận xem có bụi tính tụ hay không chưa? (Ví dụ: trên những khu vực mái bị hỏng, bên trong thiết bị thông gió hoặc băng tải, bên trong máng dẫn, trên những dầm trợ lực...)

  • Nhà máy có quy trình vệ sinh thường xuyên để loại bỏ bụi đi hay không?

  • Nhà máy có hệ thống thu gom bụi hoạt động hay không?

  • Nếu có, thì hệ thống thu gom bụi có thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật không?

Đào tạo

  • Người lao động có tuân thủ quy định giữ vệ sinh và thực hiện các bước để hạn chế bụi và loại bỏ nguồn kích nổ hay không?

  • Người lao động có được đào tạo về các biện pháp an toàn khi làm việc trong môi trường dễ cháy nổ hoặc với thiết bị phòng nổ hay không?

 

Bài viết được dịch từ nguồn: https://www.ccohs.ca/oshanswers/chemicals/combustible_dust.html

Nếu các bạn muốn TESV hướng dẫn thêm về nội dung nào xin để lại gợi ý trong mục bình luận ở dưới.

 

Công ty TNHH An Toàn Điện TESV

Lầu 5 - Tòa nhà ACB, 14 Hoàng Hoa Thám, P2, TP. Vũng Tàu, T. Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

P: +84 973862602 | E: mail@tesv.no | Web: www.tesv.no

bottom of page